Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Chủ nhật, 28/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

Trở về với Bác Hồ 

Lãnh đạo các cấp ở trung ương và địa phương đang tự phê bình và phê bình. Từ lâu đã tắm từ vai, nay gội đầu rửa mặt thì thân thể mới nhẹ nhõm, thư thái đầu óc mới minh mẫn, trong sáng, cũng như cái nhà trước hết phải củng cố cái nóc, nhà dột thì bên trong dù tiện nghi sang trọng cũng ẩm mốc, mục nát hết, con người dù cường tráng, thông minh cũng dễ nhiễm bệnh, yếu hèn.

 

 

 
Thua lỗ nợ nần hàng trăm nghìn tỷ đồng, kéo theo tham nhũng,
lãng phí, mất mát cán bộ ở một số tập đoàn,
tổng công ty nhưng vẫn không ai chịu trách nhiệm
Ảnh: T.L

 
Từ xa xưa, dân ta vẫn nói "Quan đần, dân khổ, quan tham dân càng khổ.” Còn ngày nay, đổi mới, đi lên xã hội chủ nghĩa xã hội, quan đần cũng vẫn có, cụ thể là ở trung ương và địa phương đâu cũng có hiện tượng "người kém lại lãnh đạo người giỏi. Còn quan tham thì như báo chí đã nhận xét "đụng đến đâu cũng có tham nhũng”.

 
Hiểu rõ hiện tình đất nước như vậy mới thấy đợt tự phê và phê lần này của lãnh đạo các cấp, đặc biệt lãnh đạo trung ương, cơ quan đầu não có tầm quan trọng hết sức đặc biệt, trực tiếp liên quan đến sự tồn vong của chế độ, đến sự tồn tại của Đảng. Kết quả như thế nào còn phải chờ đợi nhưng đông đảo dân và cán bộ đã tỏ ra lạc quan, chỉ mong lãnh đạo các cấp học Bác Hồ, làm theo Bác, thế thôi, cũng đủ để dân được nhờ. Lại có mong ước cụ thể hơn, nghiêm khắc hơn, "lãnh đạo các cấp, lãnh đạo trung ương trở về với Bác Hồ”. "Trở về” vì bên cạnh thường xuyên học tập Bác làm theo Bác, cũng có lúc đã xa Bác, xa rời Tư tưởng Hồ Chí Minh là dân khổ, nước nghèo. Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, Mặt trận bị thu hẹp, không còn kinh tế tư nhân, chỉ còn kinh tế quốc doanh và tập thể, hơn 10 năm trong cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, cả nước chịu đói nghèo. Đổi mới tại Đại hội Đảng lần thứ VI, đại đoàn kết dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc lại được thực hiện, ấm no hạnh phúc lại trở lại. Hoặc chưa xa Bác nhưng thực hiện Tư tưởng Hồ Chí Minh chưa trọn vẹn, triệt để cũng rất cần tự kiểm điểm thành khẩn lấy Tư tưởng Hồ Chí Minh là điểm tựa vững chắc để Đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

 
Đợt tự phê bình và phê bình của lãnh đạo trung ương rất thiết thân với nhân dân vì mọi quyền lực nhân dân đã trao cho Đảng. Mấy năm gần đây nhân dân ngày càng lo lắng, không yên vì quyền lực ấy có vẫn còn toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân không khi tham nhũng, lãng phí không chỉ tiếp tục tăng và lan rộng, mà còn càng trở nên công khai, trắng trợn. Đặc biệt kỷ cương phép nước không còn nghiêm, thua lỗ nợ nần hàng trăm nghìn tỷ đồng, kéo theo tham nhũng, lãng phí, mất mát cán bộ ở một số tập đoàn, tổng công ty nhưng vẫn không ai chịu trách nhiệm. Trong dân ở đâu cũng đặt câu hỏi "Vậy thì gây tổn thất cho ngân sách nhà nước trầm trọng đến đâu mấy vị ấy mới chịu từ chức”. Ai cũng thừa biết, ở một số nước khác mà phạm tội như thế thì miễn bàn, không từ chức cũng bị cách chức ngay. Qua những sự việc cụ thể này mới thấy nhân dân nhiều nước, quyền lực đã được những người lãnh đạo do dân bầu thực thi nghiêm chỉnh quyết liệt, lãnh đạo càng lên cao gây tổn thất khoảng trên dưới một nghìn đô la Mỹ đã bị mất chức, còn ở nước ta gây tổn thất một triệu đô la Mỹ cũng vẫn an toàn tại chức, tiếp tục lên chức và chẳng xin lỗi nhân dân một câu; dân tình bị coi thường đến như vậy, quyền lực của dân có còn nữa không? Trên đã không nghiêm thì đương nhiên dưới cũng không nghiêm "trên nói dưới không nghe” vì trên thiếu gương mẫu. Nhân dân thấy quyền lực của mình đang bị nhiều người lãnh đạo buông lỏng, thậm chí một số người biến chất, tham nhũng đương chức đương quyền tận dụng quyền lực để bao che cho nhau và dựa vào tổ chức Đảng, đoàn thể trong ngành và cơ quan thuộc quyền để vu oan, gán tội cho người tốt dám đấu tranh là "bôi nhọ lãnh đạo, chống lãnh đạo” để trừng phạt người tốt. Người dũng cảm, "gặp sự bất bình chẳng thể tha” thường đơn độc, trơ trọi dù ở bất cứ cơ quan nào, người tốt, trung thực cũng là số đông nhưng không dám đứng về phía người dám đơn độc bảo vệ Đảng, sợ bị trù dập chưa nói đời sống khó khăn có thể còn bị mất lương, mất chức nên đành nhìn người tốt chịu tội.

 
24 năm đứng đầu Nhà nước, đứng đầu Đảng cầm quyền, vấn đề dân ủy quyền cho Đảng, mọi quyền lực đều do Đảng cầm quyền nắm giữ bao giờ cũng là vấn đề được Bác Hồ quan tâm nhiều nhất và có một sự chú ý thường xuyên hết sức đặc biệt. Khi quyền lực thuộc về đông đảo quần chúng nhân dân và những người đại biểu của nhân dân được giao cho nắm quyền lực không những là những người lãnh đạo mà còn là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân thì quyền lực sẽ phát huy mặt tích cực của nó. Ngược lại, khi quyền lực chỉ phụ thuộc vào một số ít người, thậm chí chỉ thuộc về một người, trở thành độc tài, chuyên chế thì tất cả những tiêu cực xấu xa của quyền lực sẽ lập tức bộc lộ. Bác Hồ đã nhìn thấy vấn đề cốt lõi của cách mạng là vấn đề chính quyền, vấn đề quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước thuộc về ai. Đảng cầm quyền chỉ có mục đích đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân như Bác Hồ thường nhấn mạnh "quyền lực chỉ thuộc về nhân dân”, bất cứ lúc nào chệch hướng, vô tình hay cố ý không thấy chỉ nhân dân mới được làm chủ đất nước thì quan liêu, cửa quyền, tham ô, lãng phí…. xuất hiện ngay và nạn nhân chỉ là dân.

 
Ta tiến nhưng chậm, ta đổi mới nhưng chưa triệt để chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lại vẫn bao cấp nặng nề, vẫn chưa có cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, vẫn phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, cái cũ đã níu kéo làm cho ta đến nay mới gia nhập hàng ngũ nước có thu nhập trung bình trong khi một số nước khác từng là thuộc địa như ta đã và đang trở thành nước công nghiệp. Ta thua kém thiên hạ, nguyên nhân hàng đầu được nhân dân nói đến đã lâu, đến nay càng trở nên sâu sắc: bộ máy nhà nước rất thiếu người có thực tài, phẩm chất và năng lực trọn vẹn, thiếu đến nỗi gần đây cả ở địa phương và trung ương đều có hiện tượng khá phổ biến người kém lại lãnh đạo người giỏi. Người tài đức không thiếu nhưng không được trọng dụng chỉ vì ngoài Đảng. Lãnh đạo các cơ quan nhà nước ở trung ương, lãnh đạo UBND các cấp xã phường, huyện, quận, tỉnh, thành phố đều là đảng viên. Cái giá quá đắt dân tộc ta phải trả là với bộ máy nhà nước quá thiếu người tài giỏi, nền kinh tế ta yếu kém và nhân dân ta còn nghèo là tất nhiên. Một bi kịch lớn với chúng ta khi những người tài giỏi chỉ có thể phát huy tài năng ở nước ngoài, góp phần làm giàu cho nước ngoài và vẫn chưa có thể thi thố tài năng ở chính Tổ quốc mình. Người ngoài Đảng ở nước ta hiện nay khoảng 84 triệu, trong đó có nhiều người đức, tài trọn vẹn chưa được trọng dụng. Không ít người Việt ở nước ngoài không những được tin dùng còn giữ chức vụ cao trong bộ máy nhà nước của thiên hạ. Nước Đức nền kinh tế phát triển nổi tiếng thế giới, đã giao chức Bộ trưởng Bộ Y tế cho một trí thức Việt Nam. Tổng lãnh sự Mỹ ở TP. Hồ Chí Minh là một người Việt Nam. Trung tá chỉ huy một chiến hạm Mỹ thăm TP. Hồ Chí Minh là một người Việt Nam. Trong đoàn của Tổng thống Pháp Mitterand sang thăm Việt Nam có hai trí thức Việt Nam. Đồng chí Đặng Hữu, Nguyên Trưởng ban Khoa giáo đã kể lại, báo chí Pháp đưa tin, không có người Việt thì ngành tin học ở Pháp sẽ suy sụp. Còn ở Thung lũng Silicon - khu công nghệ cao của Mỹ lớn nhất thế giới - có hơn một vạn người Việt Nam làm công nghệ thông tin, nhiều người giữ những vị trí quan trọng trong các hãng lớn của Mỹ, có người được trả lương 500 đôla Mỹ một giờ.

 
Từ lâu trong đông đảo cán bộ và nhân dân, nhiều người vẫn kiên trì đề nghị chọn lựa cán bộ vào các cơ quan lãnh đạo bộ máy nhà nước ở trung ương và địa phương cần thực hiện như khi Bác Hồ còn là Chủ tịch nước, chỉ căn cứ vào hai tiêu chuẩn đức và tài. Với Bác, hễ là người Việt Nam ai cũng yêu nước và đã yêu nước thì việc gì cũng làm được kể cả tham gia bộ máy nhà nước được giao chức vụ tương xứng với tài và đức, ngoài ra không còn tiêu chuẩn nào khác. Cơ sở xã hội của Nhà nước ta là dân tộc. Nhà nước càng lớn mạnh càng phải dựa vào cơ sở đó. Đoàn kết dân tộc trong bộ máy nhà nước là rất quan trọng, thước đo để thấy có đoàn kết không là căn cứ vào những người có thực tài, năng lực, phẩm chất vững vàng có được tin dùng không? Nếu không được tin dùng chỉ vì thành phần lý lịch hoặc chưa là đảng viên là hoàn toàn ngược với tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước. Những năm Bác Hồ là Chủ tịch, bộ máy nhà nước lúc nào cũng rộng mở để đón mọi người có đức có tài. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyền Chủ tịch nước là cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhân sĩ ngoài Đảng khi Bác Hồ sang Pháp, bốn tháng theo lời mời của Chính phủ Pháp; Chủ tịch Quốc hội là cụ Nguyễn Văn Tố, cũng là nhân sĩ ngoài Đảng; lần đầu tiên phong tướng trong quân đội ta, ngay sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Trung tướng Nguyễn Bình, lúc đó chưa là đảng viên. Đoàn kết trong bộ máy nhà nước lúc nào cũng là sự sát cánh của những lãnh đạo, những quan chức có năng lực quản lý đất nước, biết làm giàu cho đất nước và thấm nhuần tư tưởng của Bác nên đã thành thói quen chẳng bao giờ phải bận tâm bàn đến trong hay ngoài Đảng.

 
Sau khi đất nước độc lập và thống nhất, bộ máy nhà nước không còn rộng mở. Riêng hai tiêu chuẩn thành phần lý lịch và đảng viên đã hạn chế nhiều người có thực tài. Có lãnh đạo cho là đảng viên đều đã được thử thách, rèn luyện nên tăng cường đảng viên cho bộ máy nhà nước là cách tốt nhất để bộ máy trong sạch vững mạnh. Cố vấn Phạm Văn Đồng lại có ý kiến khác. Ngày 19-5-1999, nhân có Cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, báo Nhân dân đã đăng trang trọng trên trang nhất bài báo cuối cùng của Cố vấn Phạm Văn Đồng đầu đề "Nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”. Xin trích một đoạn: Chúng ta thường được báo cáo rằng chất lượng tổ chức của Đảng và đảng viên là trong sạch, lành mạnh chiếm đến 70 - 80%. Nhưng thực sự đâu có vậy, đảng viên một phần không nhỏ không có phẩm chất chính trị, tư tưởng và tác phong của người cộng sản.

 
Tôi muốn đặc biệt nêu bật ba điểm rất quan trọng: về quan hệ của Đảng với công nhân, thành phần công nhân trong Đảng không nhiều. Về quan hệ của Đảng với tầng lớp trẻ, là số đông của dân cư nước ta, lớp trẻ không tha thiết vào Đảng. Về quan hệ của Đảng với trí thức, hiện nay trí thức cũng không quan tâm đến việc gia nhập Đảng. Ba lớp người này không muốn vào Đảng bởi vì họ thấy nhiều tổ chức Đảng và đảng viên chưa xứng đáng là đảng viên cộng sản, chưa xứng đáng với Đảng của Hồ Chí Minh”.

 
Những ý kiến trên đây của Cố vấn Phạm Văn Đồng càng nhắc nhở chúng ta, không nên tồn tại mãi đến hiện nay tình trạng chính quyền cấp xã, phường, huyện, quận, tỉnh, thành phố lên đến các thành viên Chính phủ đều là đảng viên, trong khi Nhà nước, chính quyền ta là của dân, do dân, vì dân. Mấy Đại hội Đảng vừa qua, góp ý kiến với Đại hội, vấn đề người ngoài Đảng tham gia lãnh đạo bộ máy nhà nước liên tiếp được nêu lên trên báo chí. Một số lão thành cách mạng trả lời báo chí về xây dựng Đảng cũng đề nghị chọn người vào các cương vị lãnh đạo Nhà nước không nên có tiêu chuẩn đảng viên.

 
Khi có đợt tự phê bình và phê bình của lãnh đạo các cấp, đặc biệt của lãnh đạo trung ương, nhiều người có suy nghĩ giống nhau, đây là dịp tốt nhất để một lần nữa và chắc chắn lần này mong ước thiết tha, khắc khoải từ lâu của mọi người sẽ được đáp ứng, bộ máy nhà nước, chính quyền các cấp sẽ mở rộng cửa để thu hút mọi hiền tài và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiêu chuẩn để chọn người tham gia lãnh đạo bộ máy nhà nước đúng như Bác Hồ đã đề ra từ khi Nhà nước dân chủ cộng hòa vừa ra đời là Đức và Tài, Năng lực và Phẩm chất.

theo daidoanket.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển